I)Tự Do Tài Chính
Ai giàu? Người biết hài lòng. – Benjamin Franklin
Giàu có tài chính và tự do tài chính là hai điều hoàn toàn khác nhau. Khi bạn tách biệt được hai khái niệm này, vô vàn lựa chọn hấp dẫn sẽ mở ra để bạn có một cuộc sống tài chính thoải mái.
Khủng hoảng kinh tế hiện nay đã dạy chúng ta một điều: không có gì là bảo đảm tuyệt đối. Tôi yêu Việt Nam nhưng tôi không yêu Việt Nam Đồng, lạm phát tăng nằm ngoài tầm kiểm soát khiến chi phí cuộc sống của bạn nhảy vọt. Một cơn tinh giảm biên chế đột ngột khiến bạn mất thu nhập, nghèo vẫn phải cho Tèo đi học. Nếu thu nhập của bạn đột ngột biến mất, bạn phải thay đổi ngay lập tức thói quen tiêu dùng hoặc vác gậy và bị gia nhập hội Cái Bang.
Tự Do Tài Chính là gì?
Tự do tài chính là có “đủ” tiền để đưa ra những quyết định trong cuộc sống mà không bị chi phối bởi tiền bạc. Tiền thì anh không thiếu nhưng nhiều thì anh không có mà cần thì anh luôn có. Tiền bạc luôn luôn đóng một vai trò trong cuộc sống của bạn. Một người thiếu tiền sẽ suốt ngày luôn canh cánh nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, không suy nghĩ được gì khác. Bạn trở nên tự do khi tiền bạc không còn là yếu tố thống trị ảnh hưởng đến quyết định của bạn.
Dưới đây là những dấu hiệu chứng tỏ bạn là nô lệ của tiền bạc:
- Bạn băn khoăn chọn người yêu dựa trên vật chất hào nhoáng thay vì những rung động của con tim.
- Bạn đắn đo chọn công việc dựa trên mức lương thưởng thay vì niềm đam mê với ngành nghề.
- Bạn để sự tham lam vô sỉ hay thói tệ lưu manh bần cùng ảnh hưởng cách đối nhân xử thế.
- Bạn hy sinh sự chính trực để đạt được mục đích tài chính.
- Bạn làm việc vất vả để duy trì lối sống của mình.
“Ở đời chỉ cần có tiền là xong tất!”, không thể tổng kết toàn bộ cuộc sống chỉ bằng câu giản đơn như thế. Cuộc sống không chỉ là bảng cân đối lời-lỗ, mọi quyết định đưa ra không chỉ nên dựa trên lợi nhuận. Tiền bạc không nên là sức mạnh thống trị cuộc đời con người. Nghèo vẫn sạch được, đói vẫn thơm được, không nhất thiết phải phú quý mới sinh lễ nghĩa. “Biết đủ là đủ” là một cách sống văn minh và nhân văn.
Tự Do Tài Chính quan trọng hơn Giàu Có
Tự do tài chính không đồng nghĩa với giàu có. Bao nhiêu là “đủ” tùy vào mỗi cá nhân. Một người có hàng tỷ VND mỗi năm vẫn có thể bị tù túng trong chính “cái hộp” biệt thự của họ, trong khi người khác đạt được tự do chỉ với 50 triệu VND mỗi năm.
Để dễ hiểu hơn, hãy nhìn tự do tài chính dưới góc nhìn của một người cổ đại. Với chàng ăn lông ở lỗ này, thức ăn chính là nguồn tài nguyên thống trị nhiều quyết định của anh. Nếu lương thực khan hiếm, tìm kiếm thức ăn sẽ chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí anh. Khi lương thực dư dả, anh ta mới thảnh thơi tận hưởng những thú vui tinh thần khác. Nói cổ đại là nói vui, chứ hiện nay trên thế giới vẫn có 1,000,000,000 người đang phải đối mặt với nạn đói, tức 1/7 người đang đói, và cứ 4 giây thì có một người chết vì đói (1/2 số đó là trẻ em dưới 5 tuổi)…
Với thức ăn, có giới hạn trần cho số lượng bạn có thể tiêu thụ. Khi bạn đạt đủ thức ăn trong kho, tự do khỏi đói khát đã được bảo đảm. Nhưng không hề có giới hạn trần cho tiêu xài tiền bạc. Đó là lý do tại sao ngay cả ở một đất nước nghèo “đội sổ” như Việt Nam hay đất nước giàu có như Mĩ, có nhiều người tự do khỏi đói khát hơn là tự do khỏi tiền bạc.
Giàu có chỉ là một góc của bức tranh tổng thể. Nếu tổng chi vượt quá tổng thu, thì không quan trọng bạn giàu hay nghèo: bạn không tự do gì hơn những người chỉ hưởng lương tối thiểu. Theo đuổi sự giàu có là một mục tiêu đáng trân trọng (miễn là bạn thực hiện bằng cách đóng góp giá trị), nhưng giàu có không bảo đảm cho sự bình an tâm hồn và sự thỏa mãn, vốn thường được đính kèm làm “quà khuyến mãi” khi bạn đạt tự do tài chính.
Một người thường đặt mục tiêu tài chính bằng cách định lượng số tiền kiếm được hoặc số tiền tiết kiệm được. Có được ___ vào ngày ___. Vậy chưa đủ. Suy nghĩ giản đơn này sẽ không giúp bạn đạt được tự do tài chính một cách dễ dàng trừ phi bạn nỗ lực ở tất cả khía cạnh.
Để đạt được tự do tài chính có 3 nền tảng chính:
- Ngưỡng chi phí cuộc sống thấp: tối ưu hóa chi phí và sống đơn giản
- Thu nhập cao hơn chi tiêu: kiếm nhiều tiền nhất có thể
- Tự động hóa tài chính: thu nhập tự động và chi tiêu tự động
Đây là một mục tiêu cực kỳ khó thực hiện. Tuy nhiên bạn không cần đạt 100% tự do tài chính để tận hưởng hương vị ngọt ngào mà nó mang lại. Nuôi dưỡng bất kỳ khía cạnh nào nêu trên cũng sẽ cải thiện cuộc sống của bạn theo chiều hướng tích cực.
1. Ngưỡng Chi Phí Cuộc Sống Thấp
Từ bầy gia súc của anh, chỉ một hai tách sữa,
Từ vựa lúa của anh, chỉ một ổ bánh mì,
Trong cung điện của anh, chỉ một nửa chiếc giường:
Con người có thể sử dụng nhiều hơn? Và liệu anh có sở hữu những gì còn lại?- Thơ Sanskrit cổ
Ngưỡng chi phí cuộc sống là số tiền tối thiểu bạn cần để hưởng thụ một cuộc sống thoải mái. Một ngưỡng chi phí cuộc sống thấp có nghĩa bạn có thể hoàn toản thỏa mãn chỉ với một ít tiện nghi vật chất. Cường đôla có thể cần 100 triệu mỗi tháng, Dũng vnd có thể chỉ cần 10 triệu. Nếu bạn hết sạch tiền tiết kiệm và giảm thu nhập xuống còn 80%, liệu bạn còn có thể hạnh phúc? Hay bạn sẽ trở thành một người khốn khổ cố gắng thích nghi với mức thu nhập mới?
Có ngưỡng chi phí cuộc sống thấp nghĩa là bạn sẵn sàng hy sinh nhiều hơn để tạo ra những thay đổi lớn. Một anh nhân viên công sở có chi phí cuộc sống tầm 10 triệu tháng. Nếu anh có cơ hội để chuyển sang một nghề anh đam mê, nhưng lương khởi điểm chỉ có 5 triệu, anh sẽ không dám tiến bước. Một chi phí cuộc sống thấp là tự do. Càng ít ràng buộc bởi vật chất chừng nào, bạn càng tự do chừng đó. Dưới đây có 2 yếu tố để giúp bạn có ngưỡng chi phí cuộc sống thấp.
Yếu tố số 1 là kỹ năng giảm thiểu ham muốn của bạn. Khi bạn yêu những gì bạn có thì bạn đã có tất cả. Kinh tế càng khủng hoảng chúng ta càng phải tập sống đơn giản. Warren Buffet từng nói: “Đừng nhầm lẫn chi phí cuộc sống với chất lượng cuộc sống”. Đa số chúng ta đều bị tẩy não để ham muốn nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp, điện thoại hi-tek, xe hơi sang trọng với niềm tin rằng sở hữu chúng sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn, thành đạt hơn. Nhưng bạn cần tỉnh táo phân loại ưu tiên. Một người có ít tiền vẫn sống thoải mái hạnh phúc được. “Biết đủ là đủ” là yếu tố tạo nên hạnh phúc bền vững hơn là một tài khoản kếch xù.
Yếu tố thứ 2 là tối ưu hóa chi tiêu. Ông bà ta có câu: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. May mắn thay, thời buổi ngày nay có 1001 cách cho một người tiêu dùng khôn ngoan tiết kiệm chi tiêu. Đăng ký groupon giúp bạn thảnh thơi thưởng thức ẩm thực, săn hàng không giá rẻ giúp bạn du lịch bốn phương nhẹ nhàng, mua thời trang xuất khẩu giúp bạn mặc đẹp, thuê phim về nhà thay vì đi xem rạp, đi xe bus thay vì xe máy, ở nhà nghỉ thay vì khách sạn, nấu ăn ở nhà thay vì đi ăn tiệm… Sống tiết kiệm là lối sống tích cực, văn minh, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Hiện nay, tôi đang có thể làm hầu hết những điều tôi muốn. Tôi không hứng thú với xe cộ, điện thoại hay quần áo đắt tiền. Cuộc đời tôi không được xây dựng bằng những cái mác giá. Tôi là một người ham chơi. Nhưng thú chơi của tôi khá đơn giản. Một sáng bình an nghe những bản nhạc kinh điển, thưởng thức trà bên cạnh cuốn sách đọc dở, chơi videogames với anh trai, xem một bộ phim với gia đình, đi thưởng thức ẩm thực với bạn bè… Những thú chơi không tốn kém làm con người tự tin tài chính hơn. Vào những thời khắc đen tối nhất của nền kinh tế, tôi vẫn có thể chơi hoài.
2. Thu Nhập Cao Hơn Chi Tiêu: Kiếm Nhiều Tiền Nhất Có Thể
Nghèo đói sinh ra những xấu xa, lầm than và sở dĩ nghèo đói là vì có nhiều miệng ăn hơn là bánh, có nhiều đầu hơn là óc – Hazlitt
Bạn có đang làm công việc trong mơ của bạn? Với lòng tham cố hữu và những món nợ ngập đầu, con người đang làm nô lệ tự nguyện cho những công việc hút vãi linh hồn. Để thoả mãn ham muốn và sinh tồn qua ngày, bạn phải có công việc với thu nhập càng cao càng tốt, và phải nô lệ cho công việc một cách nghiêm túc. Mất công việc là mất hết.
Thống kê của Visa International về mức độ tiêu xài cá nhân xác định Việt Nam dẫn đầu bảng. Nếu tính theo thu nhập đầu người, người Việt Nam qua mặt cả dân Mỹ về mặt tiêu xài. Dù bạn không muốn nợ tiêu dùng, nhưng người yêu, vợ con và đa số thành viên gia đình sẵn sàng mua sắm dùm bạn. Một vài khoản nợ là đầu tư. Bạn mượn tiền đi học, khởi nghiệp hoặc mua nhà là cần thiết để đạt những mục tiêu quan trọng hơn. Nhưng hầu hết món nợ hôm nay của bạn không liên quan gì đến đầu tư tương lai. Mua một bộ cánh đẹp hơn, chiếc xe hơi ngầu hơn, nhà lớn hơn, ăn ngon hơn. Tiêu thụ hôm nay với cái giá của ngày mai.
Lợi nhuận là thu nhập trừ đi chi phí. Không quan trọng bạn kiếm được bao nhiêu mà quan trọng bạn giữ lại được bao nhiêu. Lúc này sự khác biệt giữa giàu có và tự do tài chính rất rõ ràng. Nếu bạn tiêu dùng gần hết số tiền kiếm được mỗi tháng, bạn có thể có một lối sống thoải mái, nhưng bạn chưa đạt được tự do. Để đạt tự do tài chính, bạn phải kiếm nhiều tiền nhất có thể trong khả năng của bạn và chủ động tiết kiệm.
Việc kiếm tiền phụ thuộc vào năng lực tạo ra giá trị và khả năng vận chuyển giá trị của bạn. Bạn càng tập trung phát triển những kỹ năng tạo ra giá trị chừng nào, số tiền bạn kiếm được càng nhiều chừng đó. Bước kế tiếp là bạn tự marketing bản thân để thỏa sức phát triển trong một môi trường thích hợp. Điều này thường đòi hỏi một đòn liên hoàn bao gồm kỹ thuật viết CV, thư giới thiệu, săn việc và phỏng vấn. Với những bạn tự khởi nghiệp, hiểu biết về marketing sẽ giúp bạn kiếm tiền hiệu quả hơn.
Ngụ ngôn Lafontaine về Con Ve và Cái Kiến đã dạy một bài học rất hay về việc chủ động tiết kiệm. Trong khi con ve mãi rong chơi thì cái kiến chăm chỉ làm việc để bỏ vào quỹ tiết kiệm. Sau cùng, cái kiến có thể thảnh thơi nghỉ ngơi trong khi con ve chết tức tưởi dưới cái rét mùa đông. Thay vì bận tâm xem mình có đủ thức ăn không, cái kiến luôn có dư phần trong tủ để thoải mái trùm chăn chơi games vào những ngày đông.
Hãy trả cho chính mình trước. Khi bạn có khả năng bỏ 10%, 30% hoặc 50% thu nhập của bạn vào tài khoản tiết kiệm, bạn đã gia tăng sự tự do lên 10%, 30% hoặc 50%. Bất kể bạn mất bao lâu để đạt được sự do, hãy nhớ rằng bạn đang lao động vì những điều lớn lao hơn là những ngày nghỉ nhàn hạ.
Tự Động Hóa Tài Chính: Không Phải Làm Việc
Rồi đây nhân loại sẽ tới giai đoạn thừa sức sống đến mức không cần ngủ, thừa sinh lực để cùng sống mãi mãi, nhu cầu hôn nhân sẽ được thay thế bởi nhu cầu phát triển tinh thần. Tóm lại nhân loại sẽ là thiên thần cả. – Công Bằng Chính trị, của William Godwin
Trong thế giới lý tưởng của những kẻ giàu tưởng tượng, xã hội sẽ giàu có vật chất vượt trội nhu cầu sinh lý đến mức con người làm việc hoàn toàn vì niềm vui thích lao động thay vì kế sinh nhai. Chuyện này không xảy ra với tất cả mọi người, nhưng sẽ xảy ra với một số ít người có khả năng tạo thu nhập tự động trước. Theo báo cáo Nielsen năm 2012, hiện Việt Nam có khoảng 8 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu và sẽ còn gia tăng lên 20 triệu trong năm 2010. Khi tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều lên thì thiên đường ở hạ giới của Việt Nam cũng đang tiến dần hơn.
Một mô hình tự do tài chính hoàn chỉnh có nghĩa thu nhập của bạn là tự động: qua lãi suất (ngân hàng, bất động sản), bán bản quyền (sách, âm nhạc), hay sự nghiệp kinh doanh. Nhiều năm qua việc thuê ngoài và tự động hóa đã giúp tôi đạt được một khoảng thu nhập thụ động khá thoải mái. Nếu bạn ngừng làm việc trong khoảng thời gian dài, đời bạn cũng không rẽ ngoặt sang con đường của Cái Bang.
Một cách khác là tạo tài khoản tiết kiệm trị giá 1 năm thu nhập của bạn. Khoảng thu nhập thụ động hoặc tài khoản tiết kiệm này sẽ làm phanh hãm, giữa bạn và những-công-việc-thu-nhập-cao-nhưng-bạn-không-đam-mê.
Cuối cùng, tự động hóa chi tiêu sẽ khép lại trọn vẹn mô hình tự do tài chính của bạn. Nguồn thu nhập tự động thôi không đủ, nếu bạn vẫn phải bận tâm cân đối bảng chi tiêu và trả hóa đơn hằng tháng thì bạn vẫn còn nỗi lo tài chính. Bạn có biết rằng ngân hàng có thể tự động thanh toán các hóa đơn tiền điện, nước cho bạn? Suốt những năm qua, tôi đã tự động hóa tài chính qua hệ thống ngân hàng, thẻ tín dụng, đầu tư và những bảng cân đối tài chính (You Need a Budget).
Một cuộc sống giàu có và ý nghĩa hơn
Những thứ bạn sở hữu, rồi sẽ sở hữu bạn – Fight ClubNếu chúng ta giàu đến thế tại sao chúng ta lại không hạnh phúc? – Mihalycsiks Entmihalyi, học giả hàng đầu về tâm lý tích cực
Kinh tế học giả định rằng con người có vô hạn ham muốn. Giả thuyết này hữu ích cho việc vẽ biểu đồ, nhưng thực tế thì ngược lại. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra sau một khoảng tối thiểu nhất định, tiền bạc không còn là nhân tố trực tiếp đến hạnh phúc. Ở một đất nước đã phát triển thịnh vượng như Nhật Bản, có tỷ lệ tự sát cao nhất – 35,000 người/năm = 90 người/ngày. Sự giàu có của kinh tế không quyết định sự giàu có của tâm hồn.
Khao khát vật chất luôn tồn tại. Nhưng nếu bạn xây dựng đủ tự do tài chính thì những khao khát này sẽ không thống trị đời bạn. Những khao khát quan trọng hơn như sức khỏe, không stress, có nhiều thời gian cho bạn bè gia đình, cống hiến cho những việc ý nghĩa và phát triển cá nhân nên có ảnh hưởng lớn hơn đến những quyết định trong cuộc sống của bạn.
Mọi người đều cho rằng phần khó nhất là kiếm được thật nhiều tiền, sau đó mọi thứ sẽ được sắp xếp đúng chỗ. Chắc bạn biết rất nhiều người không hạnh phúc, dù có nhiều tiện nghi vật chất hơn bạn. Chắc bạn cũng biết nhiều người hạnh phúc, dù kiếm ít hơn bạn. Thực ra, tâm lý tài chính của bạn mới là phần cứng đầu hơn cả.
Sau khi bạn thoát khỏi vòng xoay cơm áo gạo tiền, rất dễ bị quyến rũ bởi việc cạnh tranh tài sản hay quá thoải mái với những tiện nghi vật chất. Cuộc vật lộn để đạt được tự do tài chính xảy ra cả ở bên ngoài và bên trong bạn: kiếm đủ tiền và rèn luyện kỷ luật tinh thần để giữ số tiền đó không kiểm soát bạn.
Ngưỡng chi phí sống thấp, tối ưu hóa chi tiêu, kiếm nhiều tiền nhất có thể, tự động hóa tài chính…là những chìa khóa để mở cửa một cuộc sống giàu có và ý nghĩa hơn.
II)5 Lý Do Bạn Nên Có Nhiều Nguồn Thu Nhập
Mùa hè sau khi tốt nghiệp trung học và kết thúc thi cử, dường như trong đầu những bạn đang sắp trưởng thành chúng ta chỉ có một ý tưởng: Kiếm việc làm thêm. Và mục tiêu tối hậu của những thanh niên ở cuối giai đoạn mãn teen cũng chỉ có một: Kiếm tiền!
Vậy thì chúng ta nói về cách kiếm tiền.
Những bài viết trong tháng này sẽ tập trung giúp bạn kiếm được nhiều và nhiều tiền hơn nữa. Thử thách tôi muốn đặt ra cho bạn: Kiếm thêm 1.000.000VNĐ/tháng. Số tiền không quá lớn, không quá nhỏ nhưng một khi kiếm thêm được 1.000.000VNĐ, bạn sẽ tự tin mình kiếm được 2.000.000VNĐ, 5.000.000VNĐ, hoặc 10.000.000VNĐ.
Nhiều nguồn thu nhập
Không chỉ sinh viên mà những người đã đi làm và có công việc hành chính cũng nên kiếm thêm thu nhập. Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế và lạm phát 17% như hiện nay, chỉ có một nguồn thu nhập thôi không đủ bảo đảm cuộc sống kinh tế của bạn.
Trước và sau khi ra trường, tôi đã kinh qua từ một CTV báo đến làm 7 công việc và có khoảng 6 nguồn thu nhập. Mọi thứ không như cũ. 8 tiếng hoặc ít hơn một ngày. Khối lượng công việc đều đặn và thú vị. Kỹ năng tăng nhanh đột biến. Kinh nghiệm dồi dào. Giấc mơ độc lập tài chính trở thành hiện thực. Bên cạnh công việc chính tôi còn có nhiều công việc tự do và những khách hàng thân thiết khác.
Nhiều nguồn thu nhập trở thành một trong những chiến lược tài chính mà nhiều doanh nghiệp áp dụng. Các doanh nghiệp cũng đa dạng hóa nguồn thu. Bạn nghĩ rằng Cocacola chỉ bán một loại nước giải khát có chất gây nghiện không thôi? Nhầm, ông lớn này đang sở hữu hơn 450 thương hiệu khắp thế giới. Bởi nhiều sản phẩm sẽ thổi luồng gió tươi mát vào sự tiêu dùng của khách hàng và bôi trơn cỗ máy hoạt động của doanh nghiệp.
Hãng Mai Linh cũng đa dạng hóa nguồn thu từ nhiều nguồn: du lịch ,taxi, giáo dục… Hay đế chế Virign với máy bay, du lịch, tạp hóa, mỹ phẩm…Lady Gaga kiếm thu nhập từ hát, live show, thương hiệu thời trang. Beyonce kiếm tiền từ mỹ phẩm. Trò chơi điện tử Final Fantasy tối ưu hóa lợi nhuận từ các mặt hàng ăn theo như móc khóa, dây chuyền, action figures.
Đây không phải là một bài học về các doanh nghiệp. Đây là cách để bạn ứng dụng chiến lược nhiều nguồn thu nhập vào tài chính cá nhân để kích hoạt sự sáng tạo, mạnh mẽ, kỹ năng quản lý thời gian và căng phồng túi tiền trong bạn.
Dưới đây là 5 lý do tại sao bạn nên có nhiều nguồn thu nhập kèm theo một số ví dụ ứng dụng đơn giản.
1. An toàn
Một người bình thường có cộng việc ổn định kiểu 8-5 (người Việt Nam thường làm lúc 8h và kết thúc lúc 5h so với kiểu 9-5). Ổn định? Thoải mái? Đã đến lúc phải xem lại.
Bạn có thể bị đuổi việc, thanh trừ nội bộ, hoặc cắt giảm biên chế bất kể khả năng của bạn ra sao. Một khi có ai đó sẵn sàng làm việc tốt hơn với giá rẻ hơn của bạn.
Hoặc bạn cũng có thể bị cảm sốt, xe tông, lũ cuốn, đá đè, đánh ghen, ung thư thời kỳ cuối, mất trí nhớ…Chuyện xấu xảy ra với người tốt. Phim Hàn giữa đời thường chỉ khác nhân vật chính không đẹp bằng. Một tuần nằm viện bảo đảm bạn vừa mất thu nhập vừa mất tiền viện phí. Có thể bạn không bị đuổi, nhưng sếp cũng sẽ trừ lương hoặc cáo buộc trách nhiệm làm trễ dự án.
Và nếu bị đuổi việc, bạn mất 100% thu nhập. Nếu chỉ sở hữu một sản phẩm Coke, Cocacola sẽ phá sản 100%. Tình hình tài chính của bạn lâm vào trạng thái báo động đỏ ngay lập tức.
Có nhiều nguồn thu nhập giúp bạn không phải quỳ gối xuống xin việc “Đừng mà sếp”, đối mặt với những lựa chọn xấu xí “Đồng nghiệp xấu tính, sếp ve vãn lợi dung”, hay giận giữ bỏ đi “Đồ sếp hãm tài”. Bạn chỉ việc như một doanh nghiệp phủi tay khi mất một khách hàng: “Người kế”. Chỉ cần ngủ ngon hơn tối nay thôi cũng đã đáng giá rồi, phải không bạn?
2. Giới hạn tiết kiệm và Vô cực thu nhập
Lưu ý, đây không phải tên của một chiêu thức võ lâm thần công lừng danh nào. Đây là 2 mặt của tài chính cá nhân.
Cuộc sống tài chính của tôi chia làm 2 mặt: đơn giản cho mình và tận hưởng với người thân. Tôi phát hiện ra 2 điều: (1) Có mức giới hạn cho tiết kiệm và (2) Không có giới hạn cho nguồn thu của bạn.
Bạn có thể nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn đi chơi nhưng có một mức sàn cho sự tằn tiện. Đến một lúc nào đó não bạn sẽ phát điên và đốt tiền bạt mạng. Rất khó bảo bạn trẻ thản nhiên làm ngơ khi bạn bè xung quanh xúng xính Iphone, áo đẹp, xe xịn, ăn nhà hàng. Và cho dù bạn có tằn tiện đến đâu, thì lạm phát 17% tại Việt Nam cũng dư sức giết chết những khoảng chi thường nhật của bạn.
Thu nhập thì ngược lại. Khi nào bạn còn học hỏi và phát triển, thu nhập của bạn vẫn có thể tiếp tục tăng và tăng. Tăng thu nhập sẽ giúp bạn tự do hơn về tâm lý lẫn đời sống. Không ai có thể cố định khoảng thu nhập của bạn. Người duy nhất có thể cố định khoảng thu nhập của bạn là chính bạn. Hầu hết mọi người đều không dám đàm phán mức lương họ xứng đáng được hưởng nên thường bị trả giá thấp.
Bạn có bao giờ gặp tình trạng đi làm nhưng không có việc gì làm? Chỉ có thể lên mạng lướt web đọc báo xem phim con nhà nghèo? Mỗi công ty, mỗi ngành nghề đều có một khoảng thời gian bận rộn nhất định. Như báo chí là những ngày cận kề deadline. Du lịch khách sạn vào những dịp lễ. Thời trang vào những mùa sales off. Nghĩ thử xem nếu bạn có thể làm hết mình mỗi ngày thì 1 năm sau, kỹ năng bạn sẽ ghê gớm biết chừng nào. Một công việc thì không. Nhưng nhiều công việc thì có thể tận dụng mọi quỹ thời gian nhàn rỗi của bạn.
3. Lũy tích và bội thu thu nhập
Mỗi nguồn thu nhập thành công mới của tôi đi kèm một kỹ năng thành thuc. Kỹ năng này cộng dồn lại giúp tôi kiếm thêm một công việc có mức thu nhập cao hơn. Hiệu ứng tích lũy và bội thu: Các kỹ năng bạn học được từ công việc trước sẽ cộng dồn lại để ra một gói thầu hoàn chỉnh.
Viết báo giúp tôi kiếm 1.000.000VNĐ. Hồ sơ từ việc viết báo giúp tôi dễ dàng được tín nhiệm dịch thuật khoảng 2.000.000 VNĐ. Kết hợp với sự trung thực, kiến thức kinh doanh và kỹ năng vi tính trung cấp, tôi làm trợ lý với mức 6.000.000VNĐ. Học thêm phát triển website và Internet Marketing, tôi dễ dàng đẩy nguồn thu nhập lên vài con số nữa. Bằng quản trị kinh doanh trên tay, tôi làm luôn quản lý. Những kỹ năng này được tôi đóng góp lại và bán trọn gói với một mức giá hợp lý. Việc sau trả lương cao hơn việc trước, hoặc làm ít thời gian hơn việc trước.
Khách hàng mua món A cũng hay mua món B. Ai mua TV cũng lắp truyền hình cáp và đầu DVD. Một sinh viên vừa biết dịch thuật, viết sáng tạo, thiết kế đồ họa sẽ rất có giá trị trong một tòa soạn hay công ty quảng cáo. Bạn có thể tăng thu nhập đáng kể nhờ có nhiều kỹ năng đa dạng hoặc tăng lương trong công việc hiện tại.
4. Số ít thu nhập khổng lồ vs số nhiều tào lao nhỏ xíu
Bạn cũng biết tôi từng làm 7+ công việc một lúc. Trong cuộc sống 80/20 của mình, tôi thường tập trung vào số ít quan trọng và bỏ qua số nhiều tào lao.
Nếu công việc từ mảng A này tạo ra đến 80% thu nhập của tôi, tôi sẽ dành thời gian phát triển chúng nhiều hơn nữa – trong khi từ từ loại bỏ mảng B. Bên thuê có đột ngột chấm dứt hợp đồng cũng không làm tôi đập đầu vào tường hay hốt hoảng đi kiếm việc mới.
Mục tiêu trong sự nghiệp của bạn không phải là ngày càng tăng thêm việc mà ngày càng giảm bớt đi những công việc ít hứng thú, ít sáng tạo, ít thông minh, ít lợi nhuận. Có như vậy bạn mới có thể làm được những công việc có ý nghĩa lớn lao cho mình và người khác.
5.Tự động hóa nguồn thu nhập theo thời gian
Khó nhất là có được công việc làm thêm đầu tiên.
Khó nhì là kiếm được việc làm thêm thứ hai.
Rồi mọi thứ dễ dần.
Khó nhì là kiếm được việc làm thêm thứ hai.
Rồi mọi thứ dễ dần.
Khi có nguồn thu nhập thứ 5 hay thứ 6, bạn đã biết thiết lập một hệ thống. Bạn có nhiều kỹ năng bán được, bạn biết cách nhìn ra những tiềm năng kiếm tiền. Bạn biết khi nào nên lấp đá chặn một nguồn thu nhập thất bát. Và bạn biết cách tăng quy mô cho tiền chảy ào ào như thế nào.
Có sung sướng không khi bạn có thể tự động hóa nguồn thu của mình? Làm ít nhưng có nhiều tiền hơn? Cách ưa thích nhất của tôi chính là outsource và phân quyền.
Nếu bạn được trả 100.000VNĐ/một tiếng để dịch văn bản và cô sinh viên trợ lý của bạn được hưởng 50.000VNĐ/một tiếng, thì làm ơn, hãy giao việc dịch thuật cho trợ lý và tung tăng đi chơi ngay lập tức. Bạn không phải làm công việc nhàm chán quen thuộc mà vẫn có 50.000VNĐ sau khi trừ mọi chi phí, hợp lý không?
Khi nào bạn nên outsource? Hãy tự hỏi mình: Bạn đã thành thuc kỹ năng này chưa? Kỹ năng này có quan trọng với bạn dài lâu không? Có ai đó có thể làm tốt hơn và rẻ hơn bạn không?
CHỈ KHI NÀO cảm thấy kỹ năng của mình về một lĩnh vực đã vững hoặc bạn chả thèm quan tâm đến kỹ năng này trong tương lai, bạn có thể thoải mái outsource và phân quyền cho người khác. Bàn tay nhám của tên tội đồ lười nhác chỉ nhúng vào ở khâu cuối: quản lý chất lượng và ra quyết định. Như tôi không quan tâm về kỹ năng thiết kế đồ họa nên luôn giao cho ai đó làm hộ. (Nói nhỏ: Hiện nay tôi vẫn chưa kiếm được một bạn trẻ thiết kế đồ họa hợp ý để cùng làm việc, xin liên lạc nếu bạn đang tìm cơ hội học hỏi lẫn nhau)
Ai outsource? Các nhà thầu lớn giao hợp đồng thầu được cho các nhà thầu nhỏ. Nhiều phim hoạt hình Walt Disney được phát triển tại Philippines. Biên tập viên tạp chí biên tập lại bài viết của cộng tác viên. Bạn cũng có thể. Qua rồi cái thời outsource chỉ dành cho những người giàu có và những tập đoàn khổng lồ.
Bạn bè hỏi tôi sao lúc nào cũng thảnh thơi. Bí mật đen tối đã lộ: tôi outsource và phân quyền hết 80% công việc để có thời gian rèn luyện kỹ năng mới, cải thiện bản thân và tận hưởng cuộc sống. Tôi outsource dịch thuật cho một người bạn cũ tại Đại Học Ngoại Ngữ Đà Nẵng và chỉ proof-read khúc cuối. Tôi outsource công việc tìm kiếm tài liệu và trình bày văn bản nhiêu khê cho một cô người Philipine (Phi Luật Tân) bởi đã quá rành rẽ việc tìm kiếm thông tin trên mạng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, công việc cuối cùng là viết lại thông tin đã tìm.
Phương thức để tự động hóa thì nhiều: đào tạo nhân viên, tự động forward email, đưa ra hướng dẫn rõ ràng cụ thể… Nhưng điểm cuối là: tư duy như một doanh nghiệp, bạn sẽ thu được lợi nhuận rất cao cho cuộc đời.
Nhiều nguồn tụ lại
Với 5 lý do tuyệt vời trên, đã đến lúc bạn xem lại nguồn thu nhập của mình. Nó có thực sự an toàn? Đều đặn? Nếu một trong những nguồn bị cắt thì sao? Bạn có thể sống mà không phải làm việc trong 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng? Những kỹ năng nào bạn cần để tăng thêm thu nhập?
Sông Cửu Long có mất đi một nguồn vẫn có thể bồi đắp phù sa màu mỡ cho đồng bằng. Nếu tài chính của bạn chỉ được bồi đắp từ một dòng chảy duy nhất, ai dám chắc một ngày nào đó không có ai chơi khăm chặn nguồn, một tảng đá bất ngờ lăn xuống chặn nước, hay một cơn hạn hán mang tên “khủng hoảng kinh tế” kéo qua.
Nguồn: Internet
0 comments :
Post a Comment