Jun 24, 2014


 Tìm hiểu cách bảo trì cây khò (phun ra gió nóng).

Bạn biết, làm người thợ sửa chữa các máy điện thoại di động thì phải biết dùng cây khò (phun ra gió nóng) để tháo ráp các linh kiện dán trên board mạch in. Ai cũng biết, sau một thời gian sử dụng, cây khò thường “trở chứng thổi không ra gió / thổi không nóng”, nó sẽ khiến cho Bạn cũng bị nhức đầu. Vậy, muốn an tâm, Bạn phải biết cách tự bảo trì cây khò. Trong chuyên mục này, tôi sẽ lần lượt trình bày cách bảo trì các thiết bị mà người thợ thường  dùng đến trong công việc sửa máy, phòng khi nó trở chứng hư hỏng, chúng ta tự biết cách sửa chữa nó, như vậy cũng bớt lo hơn, phải không Bạn?



Cách sử dụng cầy khò phun gió nóng:

(1) Khởi đầu, Bạn giảm nút phun gió và tăng nút tạo nóng, rồi hãy mở điện, làm vậy cho cây khò mau đạt được mức nóng cao.

(2) Khi sử dụng Bạn điều chỉnh nút mức nóng và nút mức gió theo yêu cầu của công việc hàn tháo linh kiện.

(3) Sau khi sử dụng xong, Bạn giảm nóng và nhớ tăng gió, rồi tắt điện.

Chú ý: Lúc này cây khò vẫn hoạt động (vẫn lấy điện), bên trong nó đã tắt điện bộ phận tạo nóng, nhưng vẫn kéo dài thời gian cho thổi gió, mục đích là làm nguội bộ đầu phun. Sau một lúc theo qui định máy sẽ tự tắt. Như vậy, Bạn không nên tắt máy bằng cách rút dây điện vì lúc này bộ đầu phun gió vẫn còn quá nóng sẽ dễ làm hư bộ đầu phun.

Khi sử dụng tránh làm rơi rớt bộ đầu phun, điều này có thể làm bể nứt lớp thủy tinh cách ly trong bộ đầu phun gió.


(1) Tìm hiểu sơ đồ mạch điện cây khò.



Giải thích sơ đồ mạch điện:

Sơ đồ mạch điện cho thấy, khi Bạn mở điện (Nhấn nút On / Off), nguồn điện AC 220V sẽ cấp điện cho bộ phận tạo nóng.

Đường nguồn AC qua điện trở hạn dòng R2 (30K / 5W), diode nắn dòng D7, nạp điện vào tụ C5 (220F), ở đây người ta ghim áp với diode zener D11 (Có Vz = 12V), mức áp dương trên tụ C5 qua điện trở R17 (130K) sẽ đưa đến cực cổng và kích dẫn Q3 (SCR). Lúc này relay 1 được cấp dòng, nó đóng tiếp điểm lá kim K1 và lúc này bộ phận tạo gió được cấp nguồn. Ngang relay 1 người ta mắc diode D4 (1N4007) để dập biên điện áp nghịch và dùng tụ C6 (47uF) để ổn áp chống rung. R1 (6.8K / 5W)  làm giảm áp trên relay 1 (loại 28V).

Phân tích mạch điện của bộ phận tạo nóng: Để tạo ra sức nóng, ngay trên đầu ống phun gió người ta đặt một điện trở tạo nhiệt, dòng điện cấp cho điện trở này do Q1 (Q1 là một TRIAC), góc mở dòng của TRIAC tùy thuộc vào mạch định thời với điện trở R15 (2K), chiết áp RV1 (500K), song song với biến trở R11 (1M), R3 (470K) và tụ C1 (0.047F / 400V). Chúng ta biết:


* Nếu giảm điện trở của nút chỉnh RV1, thời gian nạp điện cho tụ C1 nhanh, điện áp mòi trên tụ C1 lên đến mức 30V sẽ nhanh, góc mở điện của TRIAC sẽ lớn, dòng điện cấp cho điện trở tạo nóng sẽ lớn hơn.


* Nếu cho tăng điện trở của nút chỉnh RV1, thời gian nạp điện cho tụ C1 chậm, điện áp mòi trên tụ C1 lên đến mức 30V sẽ chậm hơn, góc mở điện của TRIAC sẽ nhỏ lại, dòng điện cấp cho điện trở tạo nóng sẽ nhỏ.


D2 (BD1) là DIAC có mức áp ngưỡng là 30V, khi điện áp trên tụ C1 lên đến mức áp này, DIAC sẽ dẫn mạnh (do DIAC có vùng điện trở âm, nên dùng làm mạch kích cho TRIAC rất tốt) và cấp dòng cho chân Cổng (Gate) và kích dẫn TRIAC (Q1). D3 dùng chống dòng kích ngược.


Người ta dùng tụ C4 (22uF / 50V), điện trở R16 (62K) và diode nắn dòng D10 để lấy dòng cho nạp vào tụ C4. Khi mức áp trên tụ C4 lên cao hơn 30V, nó sẽ kích dẫn DIAC (D6, vốn có điện áp ngưỡng là 30V) và cấp dòng làm sáng Led D8, R8 (390) là điện trở hạn dòng cho Led. Sự nạp và xả điện của tụ C4 sẽ làm cho Led D8 nhấp nháy mỗi khi mạch tạo nóng được cấp điện.


Ghi nhận: Nút tắt / mở điện được dùng để cấp thẳng điện cho bộ phận tạo nhiệt, trong khi đó bộ phận tạo gió được cấp điện qua tiếp điểm lá kim K1. Khi tắt điện, K1 chỉ hở sau một thời gian trễ, điều này giúp làm nguội bộ đầu phun gió nóng.

Mạch điện được gắn vào máy qua 2 nút chỉnh, tất cả các linh kiện khác gắn trên board mạch in có kích cở: 10cm x 5cm.


Phân tích mạch điện của bộ phận tạo gió: Mạch tạo gió gồm một máy bơm chính và một bình ổn định gió. Máy bơm được cấp dòng với TRIAC (Q2). Ngang Q2 có mạch dập biên điện áp nghịch với R7 (120), tụ C3 (104). Khi mạch được cấp điện, qua diode nắn dòng D12 và điện trở hạn dòng R4 (51K / 5W), Led chỉ thị D9 sẽ phát sáng.

Lúc này mạch định thời với R14 (2K), biến trở R10 (500K) và tụ C2 (154 / 400V) sẽ nạp dòng lấy áp, khi điện áp trên tụ C2 cao hơn mức 30V, DIAC (D5) bị kích dẫn, nó sẽ cấp dòng cho cực Cổng (Gate) của TRIAC (Q2), Q2 dẫn điện sẽ cấp dòng cho máy bơm hơi tạo gió. Ngang cuộn tạo rung L1, người ta mắc điện trở đệm R19 (30K) và R20 (30K).



Cầu 4 diode D1, với R5 (51K), R6 (51K) và biến trở R9 (1M), R13 (330K) dùng định mức gió trung bình.


Hình chụp hệ thống bơm gió, cho thấy:

Mạch điện vận hành cây khò phun gió nóng:

Lổ lấy gió, thường bị đóng bụi    

Lổ thổi gió vào ống          

Dây ống nối vào máy để lấy gió, trong ống dẫn gió có dây điện cấp dòng cho điện trở tạo nhiệt ở bộ đầu phun và dây cảm biến dùng dò mức nóng của đầu để ổn định nhiệt.
 


(2) Cách dùng cây khò phun ra gió nóng.

* Khi mở điện, Bạn giảm nút chỉnh gió đến mức nhỏ nhất và tăng mức nóng lên mức đủ cao. Nhờ vậy đầu sẽ mau nóng hơn. Sau đó chỉnh mức nóng và mức gió theo yêu cầu của công việc.

* Khi tắt máy, Bạn hãy chỉnh nút gió mạnh nhất và giảm mức nóng nhỏ nhất, sau khi tắt điện, do tụ C5 vẫn còn điện (nó đang xả), nên Q3 vẫn còn ở trạng thái dẫn điện, phải sau một lúc, khi tụ C5 xả hết điện máy sẽ tự tắt. Lúc này bộ đầu cũng đã được làm nguội.

Ghi chú: Khi mới mua cây khò, Bạn hãy tháo bỏ ốc chống rung bên dưới máy rồi hãy sử dụng.


(3) Các hư hỏng thường gặp ở cây khò (phun gió nóng).

- Vô ý làm rơi bộ đầu, bên trong có lớp thủy tinh cách ly điện, nó bị bể làm rối dây điện trở tạo nhiệt. Thay bộ đầu mới.

- Khi dùng cây khò, dây nối bộ đầu phun gió và máy khò cũng là ống dẫn hơi, Bạn đừng vô ý làm bể ống dẫn hơi này.

- Trên mạch, lâu ngày các TRIAC thường bị cháy chạm, hãy thay TRIAC mới tốt hơn, như BTA 10A - 800V.

- Thỉnh thoảng tháo máy ra làm vệ sinh, chú ý ống lấy gió của máy bơm thường bị bám bụi.

- Khi phun gió vào linh kiện, tránh không để đầu phun chạm vào board mạch in. Nên quay bộ đầu phun chậm và đều tay để làm nóng đều một vùng mạch điện, lúc đó linh kiện sẽ dễ tháo ra hơn và không bị "dộp" lớp mạch in.

Vài hình ảnh cho thấy cách dùng kho để tháo linh kiện trong các máy điện thoại di động TQ:

Hình  1: Bạn dùng khò phun nóng IC chân bụng mà Bạn muốn tháo ra. Phun từ giữa và chờ cho các chân hàn chì đã chảy ra, dùng nhíp đẩy nhẹ, thấy IC đã không còn dính chắc, lúc này Bạn dùng nhíp gắp IC ra khỏi mạch.

Hình 2: Sau khi lấy IC ra khỏi board, Bạn dùng đầu cây hàn viết đủ nóng để gạc bỏ các chì dư còn dình trên bản mạch. Làm sạch các chân hàn trên bản mạch in.

Hình 3: Bạn chọn khuôn có lỗ chân đúng kiểu chân của IC, ép khuôn lên IC, quét bột chì đều lên khuôn, dùng dao phẳng gạc cho bột chì xuống đều các lỗ trên các chân của IC.

Hình 4: Dùng cây khò phun gió nóng để "trồng lại" các chân bụng cho loại IC BGA.

Hình 5: Dùng khò phun gió nóng để trồng lại đủ các chân cho các IC có chân ở bụng.

 Hình 6: Dùng dao bén gạc bỏ chì dư còn trên khuôn để gở IC ra khỏi khuôn.

 Hình 7: Sau khi đã tạo lại các chân trên bụng của IC BGA, và làm lại các điểm hàn tương ứng trên board mạch in.  Lúc này, Bạn đặt IC vào đúng vị trí của nó trên board mạch. Bạn chú ý dấu ở gốc IC phải đặt cho đúng vị trí. Dùng nhíp giữ nhẹ IC và dùng khò phun gió nóng để gắn IC trở vào board mạch.

Hình 8 : Bạn có thể dùng khò phun gió nóng để gắp loại IC tiếng ra khỏi board một cách dễ dàng. IC tiếng rất nhỏ và chỉ có 9 chân ở bụng.

Hình 9: IC tiếng trong máy điện thoại di động TQ rất nhỏ, làm nhẹ tay, đừng phun quá lâu có thể làm hư IC.

 

0 comments :

Post a Comment